Trong những năm vừa qua cà phê Việt Nam tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế trên bản đồ cà phê thế giới. Năm 2021, Việt Nam tiếp tục đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê chỉ sau Brazil. Cà phê là một trong những sản phẩm nông nghiệp mũi nhọn, không chỉ có ảnh hưởng về kinh tế mà còn cả trong văn hóa. Văn hóa cà phê ở Việt Nam rất riêng so với nhiều nơi trên thế giới. Trong bài viết ngày hôm nay, hãy cùng tìm hiểu thêm về cà phê hạt và những hạt cà phê cơ bản hiện nay.
Cà phê hạt là gì?
Cà phê hạt là những quả hạch, được tìm thấy bên trong quả của cây cà phê, vỏ quả cà phê thường có màu đỏ hoặc tím. Trái cà phê sau khi được sơ chế, tách vỏ sẽ thu được các hạt cà phê. Các hạt cà phê sau đó sẽ được xử lý tùy theo mục đích của người dùng.
Ở Việt Nam, cà phê được trồng nhiều ở các vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng, Đông Nam Bộ, Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ phục vụ cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.

Các loại cà phê hạt phổ biến hiện nay.
Trên thế giới hiện nay có đến hơn 50 quốc gia trồng cà phê. Các loại cà phê ngày càng đa dạng hơn nhờ sự phát triển của khoa học. Bên cạnh các cây cà phê thuần chủng còn có các giống cafe lai tạo, mang đến chất lượng tuyệt hảo và năng suất cao hơn. Phổ biến hiện nay là 2 dòng cà phê Arabica và Robusta.
Cà phê hạt Arabica.
Hạt cà phê Arabica có nguồn gốc từ nhiều thế kỷ trước ở vùng cao nguyên Ethiopia, và thậm chí có thể là hạt cà phê đầu tiên từng được tiêu thụ.
Cà phê Arabica còn gọi là cà phê chè, có hạt hơi dài, được trồng chủ yếu ở độ cao trên 600m. Hạt cà phê Arabica được trồng chủ yếu ở Brazil, chiếm ⅔ sản lượng cà phê trên thế giới. Tại Việt Nam, hạt cà phê Arabica được trồng chủ yếu ở Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Lâm Đồng.
Hạt Arabica được lên men sau khi thu hoạch sau đó rửa sạch và sấy khô. Cách làm này còn gọi là sơ chế ướt. Vì đặc điểm sơ chế nên vị của hạt cà phê Arabica hơi chua xen lẫn với vị đắng nhẹ.
Hạt cà phê Arabica cực kỳ có giá trị, là loại cà phê chính của hầu hết các hãng và thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới. Văn hóa cà phê của các nước Âu Mỹ đặc biệt ưa thích cà phê hạt Arabica.

Cà phê hạt Robusta.
Loại hạt cà phê phổ biến thứ hai là Robusta, còn được gọi là cà phê vối. Hạt cà phê này có nguồn gốc từ châu Phi cận Sahara và hiện được trồng chủ yếu ở châu Phi và Indonesia. Sản lượng hạt cà phê Robusta chiếm ⅓ tổng sản lượng tiêu thụ cà phê trên thế giới.
Tại Việt Nam, hạt cà phê Robusta chủ yếu được trồng ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Hạt cà phê Robusta được sấy trực tiếp không cần lên men, nên có vị đắng chủ yếu, ít thơm, ít chua, hương vị đơn điệu, ít ngọt. Nó mang hương vị khá giống với bột yến mạch, khi ngửi mùi cà phê Robusta chưa rang sẽ thấy mùi giống như đậu phộng tươi, sau khi rang chín sẽ thoáng mùi cao su bị đốt cháy. Hạt cà phê Robusta được đánh giá là hơi gắt và có hàm lượng cafein khá cao từ 2 – 4%.
Robusta và Arabica khi rang cùng nhiệt độ, hạt Robusta nở nhiều hơn và to hơn một ít so với bạn đầu rang, Robusta luôn có màu đậm hơn Arabica.
Cà phê Robusta là loại cà phê được yêu thích ở Việt Nam nhưng lại không được lòng người nước ngoài do hương vị cà phê quá đậm đặc.

Cà phê hạt Culi.
Cà phê hạt Culi (thường gọi là cà phê Bi) là những hạt cà phê có hình dáng tròn trịa như hạt đậu, mùi hương thơm và vị đắng mạnh mẽ. Hạt cà phê Culi là loại cà phê đột biến, thay vì trái cà phê bình thường (Robusta và Arabica) cho hai hạt dẹt bên trong quả cà phê nhân, trên cây bị đột biến chỉ phát triển một hạt hình tròn duy nhất. Hàm lượng cafein trong hạt cà phê Culi cao hơn gấp nhiều lần so với những hạt cà phê Robusta, Arabica. Hương vị của hạt cà phê Culi độc đáo, tinh tế, có hậu vị, có chiều sâu và khác hẳn so với các hạt cà phê thông thường. Do sản lượng hiếm, chiếm khoảng 2-4% trong mùa nên cà phê hạt Culi được gọi là hạt trân châu trong vương quốc cà phê. Hạt cà phê Culi có 2 dòng thông dụng là Culi Robusta và Culi Arabica.
Cà phê Culi Robusta: Có hương vị đậm đà hơn, đắng và mạnh mẽ hơn so với cà phê Robusta thông thường.
Cà phê Culi Arabica: Có vị chua thanh thoát, hương thơm nồng nàn quyến rũ hơn hạt cà phê Arabica thông thường.

Cà phê hạt Moka.
Hạt cà phê Moka là một loại cà phê thuộc chi Arabica. Cà phê hạt Moka rất khó trồng, vì dễ bị sâu bệnh, chỉ phù hợp ở vùng có độ cao từ 1500m trở lên. Tại Việt Nam, Cầu Đất (Lâm Đồng) là vùng duy nhất có đủ điều kiện để trồng hạt cà phê Moka. Vì sự quý hiếm nên cà phê Moka được ví như nữ hoàng của các loại cà phê. Hạt cà phê Moka có sản lượng rất thấp, có giá trị xuất khẩu cao, gấp 2 – 3 lần Robusta. Hạt cà phê Moka có điểm tương đồng với hạt Arabica, có vị hơi chua thanh, thơm nhẹ, thường thích hợp dùng cho các dòng cà phê pha máy.

Hạt cà phê Cherry.
Hạt cà phê Cherry hay còn gọi là cà phê mít, có 2 giống với tên gọi là Liberia và Excelsa. Cà phê Cherry được đánh giá là có giá trị thấp nhất trong những loại cà phê bởi vì hạt cà phê này thường không đều, hương vị thất thường và khó chế biến. Cà phê Cherry là loại sinh trưởng khỏe, thích hợp với rất nhiều loại khí hậu, ít đòi hỏi công chăm sóc, khả năng chống lại sâu bệnh tốt. Tuy nhiên vì chúng có độ chua cao nên thường rất hiếm trồng và chiếm khoảng 1% sản lượng cà phê tiêu thụ trên thế giới. Thông thường, các hạt cà phê Culi sẽ được trộn chung với hạt cà phê Robusta hay Arabica, để tăng vị chua, giảm vị đắng tùy theo khẩu vị người uống. Cà phê Cherry rất thích hợp với gu của phái nữ với vị dễ uống, tạo cảm giác vừa dân dã mà lại cao sang, quý phái.

Cách bảo quản cà phê hạt.
Việc bảo quản cà phê hạt không hề dễ dàng dù được chế biến bằng cách nào, dù đã lựa chọn là những hạt cà phê chất lượng nhất nhưng nếu không biết bảo quản, điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ly cà phê của bạn. 3 yếu tố then chốt trong việc bảo quản cà phê hạt: nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng. Để bảo quản cà phê hạt được sử dụng lâu bạn cần phải cách ly nó với các yếu tố trên.
Bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nơi có độ ẩm cao.
Cà phê hạt sau khi được rang xong bạn cất giữ chúng vào những chiếc lọ, hộp kín hơi, đặt ở nơi tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời, để lọ cà phê tránh xa những nơi có độ ẩm cao. Nhiệt độ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cà phê, làm mất rất nhiều hương vị của cà phê.
Sử dụng bao bì dạng túi zip.
Loại bao bì này được thiết kế nhằm mục đích giải phóng khí ở trong gói cà phê đi ra ngoài đồng thời ngăn không khí từ ngoài vào cà phê nhằm ngăn chặn quá trình oxi hóa cà phê xảy ra.
Xay và sử dụng ngay.
Nếu bạn muốn dùng cà phê, hãy xay và sử dụng ngay. Cà phê bột khó bảo quản hơn so với cà phê hạt. Kết cấu của cà phê bột nhỏ và rời rạc nên nếu không bảo quản kĩ sẽ dễ bị ẩm mốc làm giảm đi chất lượng cà phê.

Hy vọng những chia sẻ của 90S Coffee sẽ giúp bạn đọc có được những thông tin cơ bản về cà phê hạt cũng như làm sao để bảo quản được cà phê hạt lâu. Hi vọng bạn đọc cảm thấy thích thú với nội dung này và hãy theo dõi website của chúng tôi để cập nhật thêm nhiều nội dung mới.

Với kinh nghiệm nhiều năm hoạt động trong ngành FnB, tôi sẽ chia sẻ những trải nghiệm của mình về vận hành các mô hình quán, giải pháp kinh doanh, nghiệp vụ FnB,… đặc biệt là trong lĩnh vực cà phê rang xay.